VÌ SAO XÃ HỘI HIỆN ĐẠI NGÀY CÀNG VÔ CẢM VỚI NHỮNG TÌNH HUỐNG CẦN GIÚP ĐỠ?

Vào sáng ngày 19-8-1995, một phụ nữ tên Deletha Word, 33 tuổi, đang chạy xe ngang qua một chiếc cầu ở Detroit, Michigan, thì vô tình đụng vào lá chắn cản sốc của một chiếc xe hơi do Martell Welsh điều khiển. Welsh và hai cậu con trai nhảy ra khỏi xe, lột bỏ tất cả quần áo của Deletha, chỉ chừa lại đồ lót và dùng vỏ xe đánh túi bụi vào người cô. Có lúc, Welsh còn nhấc bổng Deletha lên và hỏi những người đứng xem coi có ai muốn có được một phần thân thể của “mụ đàn bà” này không. Khi ấy, có khoảng 40 người lái xe đi ngang qua, nhưng không một ai can thiệp hay thậm chí là gọi cảnh sát. Trong nỗ lực liều lĩnh nhằm thoát khỏi những kẻ tấn công mình, Deletha đáng thương đã nhảy xuống dòng sông bên dưới, nhưng bị chết đuối.

Ngày 30-5-2008 ở Hartford, Connecticut, Angel Arce Torres, một người đàn ông 78 tuổi đang trên đường về nhà sau khi mua sữa tại một cửa hàng bách hóa, thì bị một chiếc xe hơi đụng phải ngay giữa một con đường tấp nập xe cộ, người qua lại trong giờ cao điểm. Torres nằm bất động, rất nhiều người đi ngang qua chỉ đứng xem mà chẳng hề làm gì. Chín chiếc xe hơi chạy ngang qua cũng cố gắng tránh ông, mà không hề bận tâm ngừng lại. Lạ thay, một tài xế cho xe chạy sát đến bên Torres rồi tiếp tục chạy đi sau khi chẳng làm gì cả. Một người đàn ông khác trên xe máy cho xe chạy quanh Torres trước khi bỏ đi. Không một người nào dừng lại để giúp Torres cho đến khi một nhân viên cảnh sát đến hiện trường. Đến giờ, ông vẫn phải thở bằng máy và bị liệt từ hông trở xuống.

Đây là thứ mà truyền thông, báo đài hay tất cả chúng ta hằng ngày (mà đặc biệt là Kênh14 với những clip từ weibo) nói về sự thờ ơ và vô cảm của xã hội hiện đại, đặc biệt là người dân những thành phố lớn.

Tuy nhiên các nhà tâm lý học vẫn luôn thắc mắc tại sao lại xuất hiện thứ tâm lý vô cảm như vậy, liệu có thực sự con người hiện đại trở nên vô cảm hay không?

Vào cuối thập niên 1960, khi đang thảo luận về một tai nạn được nhiều người biết liên quan đến một phụ nữ trẻ tên là Kitty Genovese, người bị đâm cho tới chết vào ngày 13-3-1964, tại thành phố New York, được cho là dưới sự chứng kiến của 36 nhân chứng không hề có bất kỳ hành động can thiệp nào cả, hai nhà tâm lý học John Darley và Bibb Latane đã đưa ra lời giải khác cho vấn đề vô cảm của xã hội.

THEO HỌ, CÓ HAI YẾU TỐ CÓ THỂ GIẢI THÍCH ĐƯỢC THÁI ĐỘ THỜ Ơ CỦA NHỮNG NGƯỜI CHỨNG KIẾN.

Thứ nhất, theo Darley và Latane lập luận, mỗi người chứng kiến đều cần phải xác định xem một trường hợp khẩn cấp có thực sự khẩn cấp không. Có bao giờ bạn đi ngang qua một người nằm bên vệ đường và tự hỏi không biết người ấy có cần giúp đỡ không? Có thể người ấy chỉ say rượu, hay đó chỉ là một phần của trò đùa mà mình chưa từng gặp. Nếu bạn nhìn xung quanh và thấy rằng không ai có vẻ lo lắng hay bận tâm, bạn có lý do chắc chắn để nghĩ rằng tình huống này không hề khẩn cấp.

Darley và Latane gọi hiện tượng này là nhầm lẫn theo số đông: giả định sai lầm cho rằng không ai trong đám đông có cùng quan điểm với mình (“Chẳng ai làm gì cả, nên có lẽ mình là người duy nhất nghĩ rằng đây là trường hợp khẩn cấp; ừm, chắc chắn là mình sai rồi”). Một ví dụ điển hình của hiện tượng nhầm lẫn theo số đông là trình trạng im lặng khó hiểu trong phòng học, thường xuất hiện ngay sau khi một bài giảng được kết thúc trong sự ngơ ngác của mọi sinh viên. Ngay sau khi bài giảng kết thúc, giảng viên hỏi: “Có ai có câu hỏi nào không?”, và không người nào phản ứng cả. Mọi người trong phòng học ngơ ngác nhìn xung quanh, thấy tất cả học sinh khác đều ngồi im, và lầm tưởng nghĩ rằng tất cả mọi người, trừ mình đều hiểu bài giảng.

Theo Darley và Latane, còn có một nguyên nhân thứ hai giải thích được sự thờ ơ của người chứng kiến. Ngay cả khi đã biết rõ một tình huống là khẩn cấp, sự có mặt của những người khác vẫn ngăn cản mong muốn giúp đỡ. Tại sao? Vì càng có nhiều người chứng kiến một tình huống khẩn cấp, thì mỗi người lại cảm thấy mình có ít có trách nhiệm hơn với những hậu quả đáng tiếc của việc không giúp đỡ người bị nạn. Nếu bạn không giúp một người đang bị lên cơn đau tim, và sau dó, người ấy chết, bạn có thể tự nhủ với bản thân rằng: “ừm, đó quả thật là một chuyện đau lòng, nhưng đấy thực sự đâu phải lỗi của mình. Xét cho cùng thì còn có nhiều người khác nữa có thể giúp cũng nhìn thấy mà”.

Darley và Latane gọi hiện tượng này là khuếch tán trách nhiệm, vì sự có mặt của nhiều người khiến cho mọi người đều cảm thấy có ít trách nhiệm (và ít day dứt hơn) đối với hậu quả.

Trong một cuộc nghiên cứu của Darley, Latane, những người tham gia bước vào một căn phòng để trả lời câu hỏi; trong một tình huống, người trả lời câu hỏi ngồi một mình, trong tình huống khác, mỗi người tham gia ngồi cùng với hai người khác. Sau một vài phút, khói theo lỗ thông hơi bắt đầu bay vào phòng. Khi những người tham gia chỉ có một mình trong phòng, họ chạy ngay ra ngoài để báo động về việc này với tỷ lệ 75%; khi họ ở cùng với những người khác, thì tỷ lệ của hành động chạy ra ngoài báo động chỉ còn 38%. Khi ở cùng người khác, một số người vẫn ở trong căn phòng đầy khói đến 6 phút, với một thực tế là mình thậm chí không thể nhìn thấy hay đọc được những câu hỏi mà mình cần trả lời!

Nhiều nhà nghiên cứu cũng tìm được kết quả tương tự trong nhiều cuộc nghiên cứu khác. Trong một quá trình phân tích gần 50 cuộc nghiên cứu về thái độ thờ ơ của người chứng kiến với hơn 6.000 người tham gia, Latane và Steve Nida phát hiện rằng những người tham gia thường sẵn sàng giúp đỡ khi ở một mình nhiều hơn so với khi ở cùng với người khác khoảng 90%.

——————————————-
Vì sao lại có bài viết chia sẻ điều này? Vì trong cái rủi có cái may, hay còn gọi là “hiệu ứng Khai Sáng”: Việc tìm hiểu về những nghiên cứu tâm lý học có thể tác động đến hành vi trong cuộc sống thực tế.

Một nhóm nghiên cứu đã trình bày tài liệu nghiên cứu về hiệu ứng của những người chứng kiến cho một lớp học tâm lý (gồm những thông tin mà bạn vừa được biết), nhưng không trình bày tài liệu này cho một lớp học nghiên cứu khác.

Hai tuần sau, sinh viên của cả hai lớp học đang đi cùng một người trong nhóm nghiên cứu tại công viên, thì bắt gặp một người bị té, rớt xuống khỏi ghế (bạn có thể đoán được là những nhà nghiên cứu đã dựng lên tình huống này). 45% những sinh viên đã được nghe về bài giảng hiệu ứng người chứng kiến sẵn sàng giúp đỡ người bị nạn, trong khi chỉ có 25% những người thuộc nhóm sinh viên còn lại sẵn sàng giúp đỡ. Có lẽ đó là do những sinh viên ấy đã được truyền đạt kiến thức mới và kiến thức này giúp họ ý thức được tầm quan trọng của sự giúp đỡ. Do đó, sau khi dành ra một vài phút đọc về nội dung này, bạn có thể trở thành một người chứng kiến có trách nhiệm hơn đối với những trường hợp khẩn cấp. Mặc dù đông người có thể không an toàn, nhưng có kiến thức thường có an toàn.

PS: Bài viết được giản lược lại từ nội dung trong cuốn sách: 50 great myths of popular psychology.

Đăng bởi Hoài Nam

Người thông minh giống như một dòng sông, càng sâu thì càng ít ồn ào.

Bình luận về bài viết này